Monday, January 16, 2012

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với thóc


Lời nói đầu
QCVN 14: 2011/BTC thay thế QCVN 1: 2008/BTC và QCVN 11: 2010/BTC;
QCVN 14: 2011/BTC do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với thóc biên soạn, Tổng cục Dự trữ Nhà nước trình duyệt và được ban hành kèm theo Thông tư số 204/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ 2/7/2012).

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THÓC
National technical regulation on state reserve of paddy
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, vận chuyển, kiểm tra, giao nhận (mua, bán), bảo quản và công tác quản lý đối với thóc dự trữ nhà nước được bảo quản trong điều kiện thông thoáng tự nhiên (bảo quản thoáng) hoặc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp tại các loại hình kho dự trữ nhà nước hiện có của Việt Nam.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý; giao nhận (mua, bán) và bảo quản thóc dự trữ nhà nước.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Thóc là hạt lúa thuộc loài Oryza sativa L. chưa bóc vỏ trấu.
1.3.2. Thóc mới là thóc vừa thu hoạch và chưa đến thời điểm thu hoạch của vụ liền kề.
1.3.3. Hạt thóc rất dài là hạt thóc có chiều dài hạt gạo lật lớn hơn 7 mm.
1.3.4. Hạt thóc dài là hạt thóc có chiều dài hạt gạo lật từ 6 mm đến 7 mm.
1.3.5. Hạt thóc ngắn là hạt thóc có chiều dài hạt gạo lật nhỏ hơn 6 mm.
1.3.6. Gạo là phần còn lại của hạt thóc sau khi đã tách bỏ hết vỏ trấu, tách một phần hay toàn bộ cám và phôi.
1.3.7. Gạo lật là phần còn lại của thóc sau khi đã bóc hết vỏ trấu.
1.3.8. Hạt vàng là hạt gạo có một phần hoặc toàn bộ nội nhũ biến đổi sang màu vàng rõ rệt.
1.3.9. Hạt bị hư hỏng là hạt gạo bị giảm chất lượng rõ rệt do ẩm, nấm mốc, côn trùng phá hại và/hoặc do nguyên nhân khác.
1.3.10. Hạt xanh non là hạt gạo từ hạt lúa chưa chín và/hoặc phát triển chưa đầy đủ.
1.3.11. Hạt không hoàn thiện gồm hạt bị hư hỏng (1.3.9) và hạt xanh non (1.3.10).
1.3.12. Hạt bạc phấn là hạt gạo (trừ gạo nếp) có 3/4 diện tích bề mặt hạt trở lên có màu trắng đục như phấn.
1.3.13. Hạt lép là hạt thóc không có lõi.
1.3.14. Hạt lẫn loại là những hạt thóc khác giống, có kích thước và hình dạng khác với hạt thóc theo yêu cầu.
1.3.15. Tạp chất là những vật chất không phải là thóc, bao gồm:
1.3.15.1. Toàn bộ phần lọt qua sàng có kích thước 1,60 mm x 20,00 mm.
1.3.15.2. Tạp chất vô cơ gồm đất, cát, đá, sỏi, mảnh kim loại....
1.3.15.3. Tạp chất hữu cơ gồm hạt lép, hạt bị hư hỏng hoàn toàn, cỏ dại, hạt cây trồng khác, rơm rạ, rác, xác côn trùng...
1.3.16. Độ ẩm của thóc là lượng nước và các chất dễ bay hơi có trong thóc, tính bằng phần trăm theo khối lượng, được xác định theo phương pháp quy định trong ISO 712 bằng cách sấy mẫu ở nhiệt độ (130 ± 3) oC trong thời gian (120 ± 5) min.
1.3.17. Lô thóc bảo quản là lượng thóc đạt tiêu chuẩn nhập kho theo quy định được chứa trong một ngăn kho (với thóc đổ rời) hoặc chất xếp thành lô theo quy cách (với thóc đóng bao).
1.3.18. Chuyến hàng là lượng thóc được chào hàng, được gửi đi hoặc được nhận tại một thời điểm, theo các hợp đồng cụ thể hoặc các tài liệu vận chuyển; chuyến hàng có thể là một phần hoặc nhiều lô thóc bảo quản.
1.3.19. Thóc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp là lô thóc bảo quản đổ rời trong các loại hình kho: Kho cuốn, kho A1, kho Tiệp, kho cải tiến…; được bọc kín trong túi nhựa Polyvinylclorua (PVC), lô thóc luôn được duy trì một áp suất âm trong thời gian bảo quản.
1.3.20. Thóc bảo quản thoáng là lô thóc bảo quản trong các loại hình kho: Kho cuốn, kho A1, kho Tiệp, kho cải tiến…; áp dụng các biện pháp bảo quản thông thường: Cào, đảo, thông thoáng khí tự nhiên và có thể hỗ trợ các thiết bị thông gió cưỡng bức.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Chất lượng thóc nhập kho
Thóc nhập kho trong ngành dự trữ nhà nước phải là thóc mới và đáp ứng được các chỉ tiêu sau:
2.1.1. Loại thóc nhập kho
- Đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ, Cửu Long, Đông Nam Bộ thóc nhập kho dự trữ theo nhóm hình hạt (theo chiều dài của gạo lật nguyên) là thóc hạt dài và hạt rất dài.
- Đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực còn lại, thóc nhập kho dự trữ theo nhóm hình hạt (theo chiều dài của gạo lật nguyên), gồm 2 nhóm: Nhóm thóc hạt dài, hạt rất dài và nhóm thóc hạt ngắn.
2.1.2. Các chỉ tiêu cảm quan
- Màu sắc: Hạt thóc có màu sắc đặc trưng của giống, loại.
- Mùi: Có mùi tự nhiên của thóc, không có mùi lạ.
- Trạng thái: Hạt mẩy, vỏ trấu không bị nứt, hở.
2.1.3. Các chỉ tiêu chất lượng
Tùy thuộc vào tình hình sản xuất, thời vụ từng năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định thời vụ nhập.
Các chỉ tiêu chất lượng của thóc được quy định tại Bảng 1.
Bảng 1: Các chỉ tiêu chất lượng của thóc nhập kho
Hình thức bảo quản
Chỉ tiêu
Thóc bảo quản đổ rời
Thóc bảo quản đóng bao
1. Độ ẩm, % khối lượng, không lớn hơn
13,8
15,5
2.Tạp chất, % khối lượng, không lớn hơn
2,0
2,5
3. Hạt không hoàn thiện, % khối lượng, không lớn hơn
6,0
7,0
4. Hạt vàng, % khối lượng, không lớn hơn
0,2
0,2
5. Hạt bạc phấn, % khối lượng, không lớn hơn
7,0
7,0
6. Hạt lẫn loại, % khối lượng, không lớn hơn
10,0
10,0
Ghi chú: Thóc bảo quản đóng bao chỉ áp dụng đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ, Cửu Long, Đông Nam Bộ.
2.1.4. Sinh vật hại
Thóc nhập kho không bị men mốc, không có côn trùng sống và sinh vật hại khác nhìn thấy bằng mắt thường.
2.2. Yêu cầu về nhà kho
- Kho bảo quản thóc dự trữ phải là loại kho kiên cố đảm bảo ngăn được tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết (mưa, nắng, nóng) đến khối hạt.
- Tường và nền kho không bị thấm, ẩm ướt, đọng sương trong mùa mưa ẩm. Đối với nhà kho bảo quản thóc đổ rời trong điều kiện áp suất thấp thì tường trong của kho và mặt nền kho đảm bảo phẳng, nhẵn.
- Hệ thống cửa kho phải đảm bảo kín và ngăn ngừa được sinh vật gây hại xâm nhập đồng thời đảm bảo thoáng khí, thuận tiện khi thông gió tự nhiên đối với thóc bảo quản thoáng.
- Kho chứa thóc phải thường xuyên sạch, trong kho không có mùi lạ; xung quanh kho phải quang đãng, đảm bảo thoát nước tốt, cách ly các nguồn nhiễm bẩn, hóa chất.
- Có nội quy, phương tiện và phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt.
2.3. Yêu cầu đối với vật tư, thiết bị, dụng cụ
2.3.1. Đối với bảo quản thóc trong điều kiện thông thoáng tự nhiên
- Vật tư, dụng cụ kê lót (tre, gỗ khung gióng, palet, phên nứa, cót, ống thông hơi, hoặc các vật liệu thay thế khác) phải đảm bảo yêu cầu như: khô sạch, chắc chắn, chịu lực khối hạt, không lọt thóc, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng thóc.
- Các dụng cụ thiết bị khác: Xiên lấy mẫu, thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm lô thóc...thích hợp để sử dụng đối với thóc.
2.3.2. Đối với bảo quản thóc đổ rời trong điều kiện áp suất thấp
2.3.2.1. Túi bảo quản bọc kín lô thóc gồm túi chính và hai lớp túi bảo vệ
- Túi chính được gia công từ màng PVC (Polyvinylclorua). Yêu cầu màng PVC có độ dày (0,5 ± 0,03) mm; đảm bảo trong suốt, không có bọt khí, không có khuyết tật (phồng rộp, lẫn tạp chất, vết sọc, vết xước). Màng PVC được gắn kết với nhau bằng keo dán PVC hoặc bằng các thiết bị dán chuyên dụng. Kiểm tra kỹ, đảm bảo độ kín các đường dán trong quá trình gắn kết các tấm màng PVC với nhau.
- Túi bảo vệ để giữ cho túi chính không bị xây xước, rách thủng trong quá trình nhập, bảo quản và xuất thóc. Túi bảo vệ được gia công từ các chất liệu mềm, dẻo, càng xốp, nhẹ càng tốt và không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng thóc trong quá trình bảo quản.
2.3.2.2. Hệ thống ống dẫn, hút khí
- Ống dẫn khí: Được đặt gọn trong lô thóc nhằm tạo các khoảng trống, thoáng và lưu thông khí khi hút. Ống dẫn khí thường làm từ ống nhựa PVC cứng có đường kính từ 10 cm đến 20 cm; các lỗ thoáng được tạo (bằng cách khoan hoặc xẻ rãnh) suốt chiều dài của thân ống với mật độ và kích thước lỗ phù hợp đảm bảo hút khí thuận lợi đồng thời không để hạt thóc lọt vào trong ống.
- Ống hút khí: Dùng để chuyển dòng khí trong khối thóc ra ngoài. Ống hút khí thường làm từ ống nhựa PVC cứng; một đầu ống nối với ống dẫn khí bằng cút thu, phần ống bên ngoài lô thóc tạo thành cửa hút khí dài khoảng 30 cm có gắn van khóa khí cách cửa hút từ 10 cm đến 15 cm. Cửa hút khí có đường kính phù hợp đảm bảo độ kín khít khi nối với thiết bị hút khí. Tùy theo kích thước kho và khối lượng thóc chứa có thể bố trí một hoặc hai cửa hút khí cho một lô thóc.
Hệ thống ống dẫn, hút khí đảm bảo không bị gãy, bẹp và biến dạng dưới tác động của quá trình nhập, xuất, bảo quản; dễ gia công (cắt, khoan lỗ, ghép nối...).
2.3.2.3. Thiết bị hút khí và thiết bị xác định độ kín khí
- Thiết bị hút khí: Thường là máy hút bụi có công suất đảm bảo hút được không khí trong lô thóc đạt áp suất âm tối thiểu là 1000 Pa (Pascan).
- Thiết bị xác định độ kín khí: Bằng áp kế (manomet) có cấu tạo là một ống thuỷ tinh hoặc ống nhựa trong suốt được uốn theo hình chữ U. Mỗi nhánh dài từ 30 cm đến 35 cm, đường kính 5 mm. Giữa hai nhánh đặt một thước chia vạch tới mm. Đổ nước đến giữa thân ống; vị trí mực nước thăng bằng giữa hai thân ống tương ứng với vạch số 0 của thước (nên pha màu vào nước để dễ quan sát). Toàn bộ ống và thước được gắn cố định trên tấm gỗ có giá đỡ hoặc có móc để treo.
2.3.2.4. Các dụng cụ thiết bị khác
Xiên lấy mẫu, thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm lô thóc...thích hợp để sử dụng đối với thóc.